" Nay ngoại bán bữa nữa rồi nghỉ, mà nghỉ rồi không biết làm sao, lấy cái gì để ăn" - ngoại Linh đưa một tay gạt nước mắt, một tay nắm xấp vé số đang bán dở, thở dài...
Xấp vé số cuối cùng của ngoại Linh chiều 31/3.
Với nhiều người ở Sài Gòn, vé số kiến thiết được xem là một điều may mắn, không ít người đã đổi đời nhờ những tấm vé số. Nhưng với ngoại Linh và nhiều người bán vé số khác, những tấm "giấy lộn" đầy màu sắc này là chiếc cần câu cơm, phương tiện sống duy nhất để họ có thể bám trụ ở Sài Gòn.
Những tấm vé số cuối cùng...
Việc dừng xổ số kiến thiết từ 1/4 khiến không ít người bán vé số ở Sài Gòn rơi vào cảnh mất trắng nguồn thu nhập.
11h trưa ngày 31/3, đường phố Sài Gòn vắng vẻ hơn khi nhiều người đã hạn chế ra đường, hàng quán thì treo biển đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Ngồi nép ở góc ngay ngã tư đường Bình Quới - Thanh Đa, một cụ bà lớn tuổi, khòm lưng đếm những tờ vé số còn lại trên tay, chốc chốc hướng mắt về phía những người ít ỏi đang chạy trên đường, chờ đợi.
Ngoại Linh xúc động khi nghĩ đến những ngày sắp tới, tiền gạo, tiền sinh hoạt phí mỗi ngày.
Đã hơn 1 Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog tuần qua, lượng vé số mà ngoại Linh (76 tuổi, quê Đắk Lắk) bán được mỗi ngày đã giảm hơn một nửa vì vắng người mua. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, ngoại vẫn bám trụ, lang thang khắp nẻo đường ở Bình Thạnh để bán vé số, vậy mà...
"Mai dừng hẳn rồi, ngoại ở nhà không đi bán nữa, mà gạo cũng hết rồi" , ngoại Linh buồn bã nói.
Kể từ lúc bỏ nhà vào Sài Gòn vì buồn chuyện con cái, những tấm vé số giúp ngoại Linh có đủ cơm ngày 3 bữa.
Dù có tận 4 người con, điều kiện kinh tế khá giả nhưng vì buồn chuyện con cái, ngoại Linh quyết định bỏ nhà ở quê để vào Sài Gòn, tự bươn chải kiếm sống. Tuy có vất vả nhưng số tiền mà ngoại kiếm được mỗi ngày từ những tấm vé số cũng giúp ngoại có cơm no ngày ba bữa. "Ngoại nghe bên phường bảo sẽ hỗ trợ cho người bán vé số, ngoại mừng quá, ngoại biết giờ đang dịch con virus, ai cũng sợ, chỉ mong nó mau mau qua để mọi người còn có công ăn việc làm" , ngoại Linh nói.
Góc đường Trần Hưng Đạo cũng vắng vẻ hơn mọi ngày.
Chú Thành và những tờ vé số cuối cùng, chú cho biết bán vé số để phụ con cái nuôi cháu, những ngày tới rồi chẳng biết tính sao.
Cũng giống như ngoại Linh, chú Thành (bán vé số trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1) cho biết 15 ngày tới, có thể là dài hơn là khoảng thời gian "ám ảnh" nhất mà chú sắp trải qua. Bị khuyết tật, mất cả đôi chân, chiếc xe lăn và bán vé số là cần câu cơm giúp chú bám trụ ở Sài Gòn. Giờ dừng bán ít nhất 15 ngày, chú chẳng biết tính sao...
"Nghĩ giận con virus dễ sợ, tự nhiên vì nó mà chú được nhàn rỗi" - chú Thành cười đau xót.
Căn nhà vé số chẳng còn tiếng nói cười...
Căn nhà hơn chục người bán vé số sinh sống chỉ còn lại 3 người.
Nằm sâu trong con hẻm 406 (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM), căn nhà trọ nhỏ là nơi sinh sống của hơn 10 người bán vé số dạo mưu sinh. Đã 5 ngày trôi qua, chú Nguyễn Thanh Hưởng (65 tuổi, quê Phú Yên) cùng 2 đồng nghiệp đành ở nhà vì không còn bán vé số được nữa.
"Ra đường thì chẳng ai mua, hàng quán đóng cửa, chú phải ở nhà thôi. Mấy người kia về quê hết rồi, chỉ còn 3 người chú, 1 thằng tật với 1 ông bạn già, ráng bám trụ chứ biết sao" , chú Hưởng nói.
Chú Hưởng cho biết sau tai nạn, chú bị mất 1 chân, phải lắp chân giả để đi lại, mưu sinh bằng việc bán vé số.
Theo chú Hưởng, một phần vì không đủ tiền để mua vé xe đò về quê, phần còn lại chú sợ khi về nhà lỡ có gì lại ảnh hưởng đến mọi người nên quyết định ở lại Sài Gòn. Trước kia, mỗi ngày chú dùng chiếc chân giả, lắt nhắt đạp xe khắp mọi ngõ ngách để bán khoảng 200 tờ vé số, giờ thì chẳng còn tờ nào.
"Mấy nay bán ế quá, chú tính nghỉ vài hôm rồi đi bán lại, mà giờ nghe thông báo tạm dừng luôn rồi, chú chẳng biết sống sao nữa. Chỉ mong có đủ gạo nấu cơm trong 15 ngày tới thôi" - chú Hưởng trầm tư.
Nụ cười nghẹn của chú Hưởng khi nghĩ đến những ngày tháng bán vé số cùng mọi người.
"Mấy ngày trước chú còn nói với ông già đồng nghiệp, cũng may vé số vẫn còn được bán, dù ế ế mà ngày nào cũng kiếm dăm bảy chục mua gạo nấu cơm, hai người còn cười đùa với nhau, động viên nhau ở lại Sài Gòn để bán, cái chân chú bị tật đó giờ, chỉ có cái nghề này mà mưu sinh" - chú Hưởng nói.
Ngồi trong căn nhà trọ ọp ẹp, 3 người lặng lẽ nhìn nhau, chẳng nói chẳng cười, những ngày sắp tới, họ chẳng biết sẽ sống như thế nào khi cơm ngày ba bữa chẳng còn đủ no.
Chàng thanh niên trẻ dừng lại tặng cụ bà một thùng mì chiều 31/3.
Những hình ảnh của người bán vé số, tăm bông ở Sài Gòn trước khi có quyết định ngưng hoạt động.
Chiều 31/3, dừng chân lại một góc đường Trần Hưng Đạo, hình ảnh nam thanh niên chạy chiếc xe máy vội dừng lại, gửi tặng bà cụ còng lưng thùng mì hay cô gái trẻ mang bịch đồ ăn đến gửi cho ông cụ nhặt ve chai khiến chúng tôi thật sự xúc động. Dù cho người người, nhà nhà đang chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế do dịch bệnh nhưng sự tương thân tương ái, sẻ chia nhau vẫn được lan tỏa khắp nơi...
Nụ cười hạnh phúc của chú nhặt ve chai khi được cô gái trẻ dừng lại tặng túi quà... Sài Gòn vẫn luôn như thế, dẫu khó khăn nhưng sự san sẻ cho nhau khiến ai cũng thấy ấm lòng. Hi vọng những ngày sắp tới, sự chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người sẽ giúp đất nước vượt qua dịch bệnh, ổn định đời sống cho người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét